ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH ĐIỆN BIÊN

 

Số: 27/2020/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Điện Biên, ngày 24 tháng 11 năm 2020

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh Điện Biên

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 28 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ “sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe”;

Căn cứ Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 04 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải “Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ”; Thông tư  số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải “Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt trên  địa bàn tỉnh Điện Biên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 12 năm 2020, thay thế cho Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc ban hành Quy chế đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc có trình độ văn hoá thấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

              

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

Lê Thành Đô

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH ĐIỆN BIÊN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

QUY ĐỊNH

Đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh Điện Biên

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 27/2020/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về hình thức đào tạo, nội dung và phương án sát hạch lái xe mô tô hạng A1 cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

  1. Quy định này áp dụng đối với cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe; cơ sở đào tạo lái xe; trung tâm sát hạch lái xe và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hai bánh hạng A1 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; người thuộc thành phần dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên, có nhu cầu học và dự sát hạch lấy giấy phép lái xe mô tô hạng A1 tại tỉnh Điện Biên.
  2. Quy định này không áp dụng đối với công tác đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hai bánh hạng A1 của ngành Công an, Quân đội làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Chương II

ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH ĐỂ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE

          Điều 3. Hình thức và phương pháp đào tạo

  1. Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mô tô hai bánh hạng A1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại các cơ sở được phép đào tạo lái xe mô tô hai bánh hạng A1 để được ôn luyện.
  2. Phương pháp đào tạo: Đào tạo tập trung, giảng dạy chủ yếu bằng hình ảnh trực quan, hỏi đáp là chính; số lượng thí sinh không vượt quá 35 người/01 lớp, trường hợp số lượng thí sinh đăng ký lớn phải chia thành nhiều lớp.

Điều 4. Chương trình đào tạo

  1. Thời gian, chương trình đào tạo
  2. a) Thời gian đào tạo lái xe mô tô hai bánh hạng A1: 12 giờ (lý thuyết 10 giờ, thực hành lái xe 2 giờ).
  3. b) Chương trình đào tạo và bảng phân bổ thời gian đào tạo
TT Chỉ tiêu tính toán các môn học Đơn vị tính Thời gian đào tạo
1 Pháp luật giao thông đường bộ giờ 8
2 Kỹ thuật lái xe giờ 2
3 Thực hành lái xe

– Số giờ thực hành lái xe/học viên

giờ 2
4 Số giờ/học viên/khóa đào tạo giờ 12
5 Tổng số giờ một khóa đào tạo giờ 12
Thời gian đào tạo
1 Số ngày thực học ngày 2
2 Cộng số ngày/khóa đào tạo ngày 2
  1. c) Nội dung và phân bổ chi tiết các môn học
TT Nội dung Thời gian đào tạo
Lý thuyết: 7 giờ Thực hành: 5 giờ
1 Pháp luật giao thông đường bộ 6 2
– Những kiến thức cơ bản về pháp luật giao thông đường bộ 4 1
– Ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và xử lý tình huống giao thông 1
– Thực hành cấp cứu tai nạn giao thông 1 1
2 Kỹ thuật lái xe 1 1
– Vị trí, tác dụng các bộ phận chủ yếu của xe mô tô 0,5 1
– Kỹ thuật lái xe cơ bản 0,5
3 Thực hành lái xe 2
– Tập lái xe trong hình 1,5
– Tập lái xe trong sân tập 0,5
  1. Học phí đào tạo lái xe
  2. a) Cơ sở đào tạo lái xe xây dựng mức thu học phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước về cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và niêm yết công khai tại cơ sở đào tạo.
  3. b) Các cơ sở đào tạo không được thu thêm học phí hoặc các khoản phí, lệ phí khác ngoài quy định. Không được bán các loại tài liệu, hồ sơ cho học viên quá mức giá quy định.

Điều 5. Nội dung và phương án sát hạch lái xe

  1. 1. Địa điểm sát hạch:

Việc sát hạch được tổ chức tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố hoặc trung tâm các xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện về phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch và xe mô tô dùng để sát hạch theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

  1. Sát hạch lý thuyết

Thực hiện thi bằng hình thức vấn đáp (có sử dụng người phiên dịch): đề sát hạch gồm các câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe. Bộ đề, đáp án sát hạch lý thuyết do Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên ban hành. Đề sát hạch lý thuyết gồm 12 câu hỏi, mỗi câu hỏi được tính 01 điểm phân bổ như sau: 04 câu hỏi về khái niệm và quy tắc giao thông đường bộ; 01 câu hỏi về văn hóa và đạo đức người lái xe; 04 câu hỏi về hệ thống biển biển báo; 03 câu hỏi về giải các sa hình. Nếu thí sinh trả lời đúng từ 09 câu hỏi trở lên thì đạt yêu cầu phần sát hạch lý thuyết. Thời gian sát hạch lý thuyết: 12 phút/01 đề thi/01 thí sinh.

  1. Sát hạch kỹ năng lái xe trong hình

Thí sinh đạt nội dung sát hạch lý thuyết được dự thi nội dung sát hạch thực hành theo quy trình của Bộ Giao thông Vận tải và hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Riêng đối với các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà (có khoảng cách với trung tâm TP Điện Biên Phủ là đô thị loại 3 dưới 100 km) phải tổ chức sát hạch tại các sân sát hạch có thiết bị chấm điểm tự động theo điểm b, khoản 4, Điều 21 của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

  1. Xét công nhận kết quả

Thí sinh đạt nội dung sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe trong hình thì được công nhận trúng tuyển; thí sinh không được công nhận trúng tuyển được đăng ký sát hạch lại kể từ kỳ sát hạch tiếp theo, với cùng một cơ quan quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe; thí sinh không đạt nội dung sát hạch lý thuyết thì không được dự nội dung sát hạch thực hành lái xe trong hình; thí sinh đạt nội dung sát hạch lý thuyết nhưng không đạt nội dung sát hạch thực hành lái xe trong hình thì được bảo lưu kết quả sát hạch lý thuyết trong thời gian 01 năm kể từ ngày đạt kết quả sát hạch.

Thí sinh mang điện thoại hoặc thiết bị truyền tin trong phòng sát hạch lý thuyết hoặc có các hành vi gian dối khác làm sai lệch kết quả sát hạch sẽ bị đình chỉ làm bài, hủy bỏ kết quả sát hạch.

Thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.

  1. Người phiên dịch là cán bộ dân tộc thiểu số thành thạo tiếng Việt được Tổ sát hạch hướng dẫn các công việc cần thiết để thực hiện nhiệm vụ trước khi tham gia kỳ sát hạch. Tham gia sát hạch lý thuyết cùng Tổ sát hạch, ký xác nhận kết quả thi lý thuyết của thí sinh trong bài thi sát hạch lý thuyết.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          Điều 6. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

  1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thông báo công khai về những quy định có liên quan đến việc tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt; đồng thời, chỉ đạo Cơ quan quản lý sát hạch phối hợp với cơ sở đào tạo lập kế hoạch và phối hợp với UBND cấp huyện thông báo công khai về: lịch, địa điểm học và sát hạch, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân biết, tham gia học, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe.
  2. Soạn đề, đáp án sát hạch đúng chương trình, giáo trình đào tạo đã được biên soạn lại trên cơ sở bộ đề sát hạch của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; tổ chức kỳ sát hạch đúng thời gian, địa điểm, đảm bảo chất lượng theo quy định.
  3. Chỉ đạo cơ sở đào tạo biên soạn chương trình, giáo trình giảng dạy; kiểm tra và phê duyệt chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo.
  4. Chỉ đạo Tổ sát hạch phối hợp với Cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe tổ chức kỳ sát hạch đúng theo quy định này và hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
  5. Chỉ đạo cơ quan quản lý sát hạch thuê phiên dịch để thực hiện công tác sát hạch lý thuyết một cách khách quan, minh bạch.
  6. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; thường xuyên theo dõi, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện và những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện để giải quyết kịp thời.

          Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

  1. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các Ban, ngành chức năng tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt để nhân dân được biết.
  2. Chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng của địa phương phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo lái xe mô tô trong tỉnh tổ chức tuyển sinh đúng đối tượng đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn theo quy định.
  3. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xác nhận đối tượng là đồng bào dân tôc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt có nhu cầu học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 phải đúng theo quy định và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nội dung xác nhận. Tránh tình trạng người dân lợi dụng chính sách của Nhà nước để làm sai lệch thông tin.

          Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

  1. Căn cứ vào lịch học và lịch thi đã được thông báo, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo đến từng tổ dân, thôn, bản để nhân dân biết đăng ký tham dự học và sát hạch lấy giấy phép lái xe.
  2. UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác trong việc xác nhận đúng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt của mình. Nghiêm cấm việc xác nhận không đúng đối tượng, khai man về trình độ học vấn để lợi dụng học và sát hạch theo Quy định này.

          Điều 9. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo

  1. Đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị giảng dạy theo quy định.
  2. Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu, thực hiện đúng theo quy định này.
  3. Tổ chức soạn thảo chương trình, giáo trình giảng dạy trên cơ sở Giáo trình đào tạo lái xe mô tô hai bánh hạng A1 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành, trình Sở Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt.
  4. Thực hiện việc cấp hồ sơ; kê khai hoặc hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt có nhu cầu dự học, thi cấp Giấy phép lái xe mô tô hạng A1 kê khai các mẫu của Quy định này để hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự học, sát hạch cấp Giấy phép lái xe mô tô hạng A1 nộp cho cơ sở đào tạo.

          Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên, Báo Điện Biên Phủ, Cổng thông tin điện tử tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định này.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các ngành, địa phương, đơn vị phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, trình UBND tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

Lê Thành Đô